Hiểu về rối loạn lo âu – Nguyên nhân và Dấu hiệu nhận biết

“Một chiếc lá rơi cũng làm em hoảng sợ” là một câu nói xuất phát người rối loạn lo âu. Họ có biểu hiện lo lắng quá mức, và sợ hãi thường xuyên mà không có lý do rõ ràng.  Thực trạng hiện nay cho thấy, những người mắc chứng rối loạn lo âu là trẻ em và vị thành niên chiếm đa số, tỷ lệ cao nhất lên đến 25% (Theo Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia). Vì vậy việc nhận biết sớm các triệu chứng rối loạn lo âu sẽ giúp gia đình kịp thời đưa con em đến các cơ sở thăm khám và điều trị.

Trước hết, để biết được bản thân hoặc trẻ có mắc chứng rối loạn lo âu không, điều quan trọng là cần tìm hiểu về rối loạn lo âu là gì, nguyên nhân và dấu hiệu của chứng tâm lý này. Cùng theo dõi bài viết sau để có cái nhìn rõ hơn về chứng bệnh này cũng như là căn cứ để theo dõi bản thân và gia đình.

Rối loạn lo âu là gì?

Lo lắng, sợ hãi là cảm xúc xuất hiện khi nhận thức được nguy hiểm hoặc tình huống bất lợi. Vì vậy, cảm giác lo âu xảy ra là hoàn toàn bình thường. Vậy làm thế nào để phân biệt đâu là lo âu thông thường và đâu là lo âu bệnh lý? 

Sự khác biệt giữa hai trạng thái này phụ thuộc vào khả năng kiểm soát lo âu, cường độ, thời gian kéo dài,… Lo âu được xem là bình thường khi có tình trạng bất lợi và mất đi khi chuyện đó được giải quyết. Ngược lại, rối loạn lo âu là những lo âu không có nguyên nhân cụ thể, các triệu chứng nặng và kéo dài. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần.

Nguyên nhân:

Rối loạn lo âu đến từ nhiều nguyên nhân và khó để có thể xác định chính xác. Các triệu chứng lo âu có thể là dấu hiệu của các bệnh lý như:

  • Đái tháo đường.
  • Các bệnh lý tuyến giáp: các bệnh lý làm cho tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp).
  • Các bệnh về hô hấp: hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
  • Đau mạn tính hoặc hội chứng ruột kích thích (IBS).
  • Có các khối u ở các vị trí kích thích vào hệ thần kinh thực vật.
  • Mắc hội chứng cai trong cai rượu.

Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ dễ khiến cá nhân rơi vào tình trạng này bao gồm:

  • Do di truyền: Rối loạn lo âu cũng có yếu tố di truyền. Các nhà nghiên cứu tại Mỹ đã chỉ ra, cha mẹ hoặc những người thân trong gia đình có tiền sử mắc phải bệnh về tâm lý thì con cái sẽ có nguy cao cơ gặp phải bệnh này.
  • Yếu tố tâm lý: Sang chấn tâm lý ở thuở nhỏ, nét tính cách dễ lo âu…
  • Yếu tố môi trường, xã hội: stress kéo dài, những căng thẳng từ trong gia đình, môi trường sống, môi trường làm việc…
  • Các tổn thương trong quá khứ: trải qua những sự kiện đau buồn hoặc sang chấn trong quá khứ.
  • Tình trạng rối loạn tâm thần khác: một số rối loạn tâm thần sẽ đi kèm với rối loạn lo âu hoặc dẫn tới rối loạn lo âu như stress, trầm cảm,…
  • Những lo lắng và căng thẳng xuất phát từ việc mắc bệnh lý nào đó có thể dẫn đến lo âu.

Trong những nguyên nhân trên, có những yếu tố mà cá nhân có thể kiểm soát để không dẫn đến rối loạn lo âu. Tuy vậy, cũng tồn tại những yếu tố không thể tránh khỏi. Việc cần làm lúc này là bình tĩnh, đánh giá tình trạng bản thân qua các dấu hiệu sau đây.

Dấu hiệu, triệu chứng của người bệnh:

Dấu hiệu bên ngoài:

  • Nhịp tim luôn ở mức nhanh (lớn hơn 100 lần/phút).
  • Khó thở, hoặc thở nhanh hơn bình thường.
  • Tay chân lạnh, đổ mồ hôi nhiều.
  • Tê, nóng ran lòng bàn tay, bàn chân.
  • Xuất hiện cảm giác chuột rút.
  • Xuất hiện căng cơ.
  • Có các triệu chứng rối loạn tiêu hóa.
  • Khô miệng, buồn nôn

Dấu hiệu tâm lý:

  • Cảm giác sợ hãi, bất an.
  • Nhớ lại quá khứ đau thương hoặc những lo lắng luôn lặp đi lặp lại.
  • Giảm khả năng tập trung
  • Ám ảnh trong suy nghĩ về một vấn đề nhiều lần
  • Khó khăn giữ bình tĩnh hoặc vượt qua cơn lo âu

Hành vi:

  • Không thể tập trung để hoàn thành việc gì đó, luôn bị chi phối bằng những suy nghĩ khác.
  • Có những hành vi đến mức ám ảnh như rửa tay quá mức, yêu cầu sạch sẽ quá mức,…
  • Mất ngủ hoặc khó ngủ.
  • Có những hành vi nghi thức, như rửa tay, kiểm tra khóa cửa… quá nhiều lần.

Những dấu hiệu liệt kê trên là những triệu chứng thường thấy ở người mắc rối loạn lo âu. Để tránh việc lo âu quá mức và dẫn đến các hành vi thái quá, tiêu cực, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay khi nhận thấy bản thân xuất hiện các dấu hiệu sau:

  • Lo lắng thái quá, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống, công việc cũng như các mối quan hệ.
  • Không thể kiểm soát được các lo lắng, ám ảnh hay sợ hãi.
  • Thường xuyên dùng chất kích thích để giải tỏa lo âu.
  • Những suy nghĩ hoặc hành động liên quan đến tự tử.

Kết luận:

Rối loạn lo âu là chứng bệnh tâm lý khiến cá nhân luôn trong tình trạng lo lắng, sợ hãi. Tình trạng này kéo dài làm ảnh hưởng công việc và cuộc sống của họ. Thậm chí, có thể dẫn đến những hành vi tiêu cực, nghiêm trọng.

Hiểu rõ về chứng bệnh này để theo dõi tình trạng bản thân và gia đình là rất cần thiết. Khi phát hiện bản thân hoặc người nhà xuất hiện các triệu chứng trên, cần lập tức liên hệ bác sĩ tâm lý để được tư vấn và điều trị đúng cách. 

Người bị rối loạn lo âu nên được điều trị sớm để đạt hiệu quả cao nhất. Nếu không được điều trị kịp thời, thì những tác động từ rối loạn lo âu có thể ảnh hưởng đến công việc, mối quan hệ, chất lượng đời sống và sức khỏe cơ thể của người bệnh.

WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux